[Bạn Có Biết] Cách trồng cây đu đủ trong chậu tại nhà đúng cách sẽ vừa cho quả sai quanh năm lại vừa có đu đủ sạch và ngọt cho gia đình?
Nếu nhà có vườn rộng thì bạn chỉ cần tham khảo Kỹ thuật trồng đu đủ thôi là đủ, còn nếu bạn nhà phố hoặc không có nhiều diện tích trồng thì hãy tham khảo thêm cả cách trồng đu đủ trong chậu dưới đây nhé.
Chuẩn bị chậu trồng đu đủ
Chuẩn bị vật dụng cần có:
- Chậu hoặc thùng xốp
- Đất trồng
- Giống đu đủ
Chậu – Thùng xốp
Chuẩn bị thùng xốp hoặc chậu trồng có đường kính chậu lớn tầm 60cm độ sâu khoảng 50cm như chậu vuông cỡ đại, chậu Aquaponics chuyên trồng cây ăn trái (kích thước tối thiểu 90 x 40 x 40cm, tham khảo thêm cách làm thùng xốp trồng rau.)
Tuy nhiên phải là chậu có lỗ để cây có thể thoát nước tốt tránh ngập úng.
Chuẩn bị đất trồng
Đối với cây đu đủ thì bạn nên chọn đất tơi xốp, đặc biệt là phải khả năng giữ nước và thoát nước tốt. Bạn có thể phối trộn đất theo công thức 3 đất sạch : 3 phân trùn quế : 2 giá thể trấu hun : 2 giá thể mụn dừa.
Sau khi trộn giá thể trồng bạn có thể bổ sung thêm chế phẩm nấm Tricoderma để tăng cường hệ vi sinh có lợi trong đất, hạn chế được một số nấm bệnh, giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh.
Nhưng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn sử dụng đất sạch hữu cơ Sfarm chuyên cho cây ăn quả, việc trồng cây sẽ vô cùng tiện lợi và tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức. Cây con của bạn sẽ được được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong 60 ngày sau trồng mà bạn không cần phải phối trộn thêm bất cứ thành phần nào.
Chọn giống đu đủ
Bạn nên chọn giống đu đủ lai F1, loại chuyên trồng làm cây cảnh có các đặc điểm như: Cây lùn, lóng đốt ngắn, giống sinh trưởng khỏe, khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất thuận, sai hoa, nhiều quả, chất lượng quả cao thường các giống này sẽ có nguồn từ Đài Loan hoặc Thái Lan. Tuy nhiên bạn nên chọn mua ở cửa hàng uy tín để đảm bảo chọn được hạt giống có chất lượng và tỉ lệ nảy mầm cao.
Nếu mua quả giống ở chợ, chọn quả chín, cắt bỏ phần đầu và phần cuống quả, lấy hạt ở phần giữa quả thả ngay vào nước, chọn hạt đen và chìm, rửa sạch màn nhớt bọc ngoài hạt, đem phơi khô rồi gieo ngay.
Cách trồng cây đu đủ trong chậu

Gieo hạt
Bạn ngâm hạt trong nước khoảng 5 giờ ở nhiệt độ 40 độ C, sau đó trải hạt ra bao vải cotton ẩm 4-5 ngày đến khi hạt nảy mầm đều thì ta có thể tiến hành gieo hạt.
- Gieo trực tiếp lên đất: Xới lại đất cho tơi xốp rồi lấy ngón tay tạo một lỗ sâu 2-3 cm. Gieo hạt vào lỗ với đầu rễ hướng xuống đất sau đó phủ một lớp đất mỏng lên trên. Tưới nước đều nhẹ nhàng giữ ẩm cho hạt nảy mầm. Có thể phủ thêm rơm, mụn dừa hay trấu hun để đất có thể thoáng mát,tăng tỉ lệ nảy mầm cho cây.
- Gieo hạt vào chậu nhựa mềm (Túi bầu ươm cây): Giá thể ươm hạt bạn có thể sử dụng giá thể mụn dừa, giá thể trấu hun… Sau đó bạn cho giá thể vào các chậu nhựa mềm ươm hạt đã chuẩn bị, đặt hạt vào giữa các lỗ rồi phủ nhẹ lại bằng giá thể ươm.
- Gieo hạt vào viên nén xơ dừa: Để tiện lợi, nhanh chóng và có tỷ lệ nảy mầm cao hơn, bạn có thể sử dụng viên nén xơ dừa ngâm trong nước khoảng 2 phút rồi gieo hạt, mỗi viên 1-2 hạt. Phải chú ý giữ ẩm để hạt nảy mầm nhanh chóng.
Khi cây lên cao 10-15 cm, thân đã khá cứng cáp thì đem trồng ra đất trồng đã chuẩn bị. Cuối cùng bạn tưới nước giữ ẩm rồi đặt ở vị trí thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp.
Trồng đu đủ trong chậu
Khi đu đủ trong bầu đã ra từ 4 – 5 cặp lá và có chiều cao khoảng 10 – 15cm thì ta đem trồng vào chậu.
- Dùng dao sắc rạch nhẹ để gỡ bỏ vỏ nilon (không làm vỡ bầu).
- Đặt cho bầu và cây giống nằm ngang trên mặt đất, sau đó vun đất quanh bầu và nén chặt gốc.
- Cuối cùng là tưới nước để giữ ẩm cho cây.
Sau khi đã trồng xong cắm que đỡ để nâng ngọn cây cho ngóc lên, sao cho thân gốc đu đủ luôn nghiêng một góc 30 độ so với mặt luống từ lúc trồng cho đến suốt quá trình sinh trưởng của cây.
Chăm sóc đu đủ

Ánh sáng
Đu đủ là loài cây chịu nhiệt, ưa sáng vì vậy nên trồng cây trên sân thượng cao, ban công hay những nơi có ánh sáng trực tiếp chiếu vào để cây có thể đón được lượng ánh sáng phù hợp.
Chế độ nước
Lúc mới trồng bạn cần tưới ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều để cung cấp đầy đủ nước để cây tăng khả năng sống và sinh trưởng phát triển cứng cáp. Khi cây đã sinh trưởng mạnh thì chỉ cần tưới ngày 1 lần là đủ vì cây chịu úng kém, cây bị úng sẽ chết rễ và còi cọc.
Bạn cần tưới nước để giữ ẩm cho cây ngày 1 – 2 lần, dùng rơm hoặc rạ để che phủ mặt chậu hạn chế bốc thoát hơi nước và giữ ẩm cho cây.
Làm cỏ, tỉa trái
Thường xuyên dọn cỏ sạch sẽ trong chậu, tỉa bớt lá già sâu bệnh, tránh để cỏ vừa cạnh tranh dinh dưỡng với cây, vừa là nơi cư trú, lan truyền mầm bệnh.
Ngoài ra khi cây bắt đầu đậu trái để tăng chất lượng cho quả bạn nên quan sát và tỉa bớt những trái đu đủ bị sâu bệnh, dị tật vào thời điểm trời nắng ráo để những quả còn lại phát triển tốt hơn.
Chế độ dinh dưỡng
Cây đu đủ là cây dễ phát triển nên không đòi hỏi hàm lượng dinh dưỡng nhiều. Tuy nhiên để cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh và sai quả thì nên bổ sung dinh dưỡng định kỳ cho cây.
Sau khi trồng 10-15 ngày thì cây bắt đầu bước vào thời sinh trưởng nên trong giai đoạn này bạn cần bổ sung lượng phân bón hữu cơ như phân bò, phân gà, trùn quế, phân hữu cơ đậm đặc Bounce Back…
Đồng thời, bạn kết hợp sử dụng các loại phân bón lá như đạm cá, Org Hum, Seasol, MK 501, phân bánh dầu nước, rong biển Seawweed… định kỳ 15-20 ngày/ lần.
Tiến hành pha 100 gam phân cho 3 lít nước và tưới đều cách gốc 20cm, cách 1 tháng bón 1 lần. Đặc biệt sau khi bón phân thì bạn phải nhớ tưới lại kĩ bằng nước sạch.
Bên cạnh đó khi cây chuẩn bị ra hoa ta có thể bổ sung hàm lượng phân bón lá Amino Quelant 05 để kích thích hạt phấn phát triển, kéo dài thời gian sống của hạt phấn, tăng khả năng thụ phấn, khắc phục hiệu quả của sự rụng bông, rụng trái non.
Pha 3 thìa cà phê cho 10 lít nước tưới đều cho cây, cách 7-10 ngày /lần đến khi quả to bằng quả trứng thì ngưng.
Sâu bệnh hại đu đủ
- Bệnh thán thư hại cây đu đủ: Đây là bệnh gây hại chủ yếu trên lá và quả, thỉnh thoảng xuất hiện trên cuống quả và thân cây. Vết bệnh lúc đầu sẽ có hình những đóm tròn màu vàng nhạt, về sau vết bệnh lớn lên có màu nâu, trên đó có các đường vân vòng đồng tâm và lan dần từng mảng lớn. Bệnh thán thư do nấm gây hại nên để khắc phục ta nên dùng các loại thuốc trị nấm bệnh như Antracol, Ridomil Gold…
- Bệnh khảm lá trên cây đu đủ: Giống như thán thư, bệnh khảm cũng là một bệnh rất phổ biến trên cây đu đủ. Cây bị bệnh ban đầu phiến lá có nhiều vết xanh, vàng lẫn lộn và khi nặng thì lá biến dần sang màu vàng, nhỏ lại, biến dạng. Có thể khắc phục bệnh này bằng một trong các loại thuốc như Confidor, Dầu khoáng SK Enspray 99, Actara 25WG… để tiêu diệt côn trùng môi giới truyền bệnh.
- Sâu xanh, sâu khoang, nhện đỏ, rầy hại: Khi thấy cây bị sâu bệnh hại tấn công nhẹ thì bạn có thể sử dụng các chất trừ sâu điều chế từ thiên nhiên để đảm bảo an toàn sức khỏe cho gai đình như GE gừng, dịch tỏi, hoạt chất sinh học Neem Chito… nặng thì bạn có thể sử dụng Randiant, Confidor và đặc biệt là dùng Ortus để phòng trừ nhện đỏ gây hại.
Thu hoạch

Sau 5-6 tháng trồng đu đủ trong chậu đúng kỹ thuật là bạn bắt đầu thu hoạch những quả đu đủ ngon ngọt đầu tiên rồi đấy, có thể tùy theo mục đích sử dụng hoặc sở thích mà bạn có thể thu hoạch khi đủ đủ còn xanh hoạc khi vừa chín tới. Nếu bạn thu quả để ăn tươi thì nên thu khi trên quả xuất hiện các vết đốm hoặc sọc vàng nhạt chất lượng sẽ ngon nhất.
Không nên thu quá sớm quả ăn sẽ nhạt và đu đủ có thể cho thu hoạch quanh năm.